Trong thời đại công nghệ 4.0, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà còn là yêu cầu cấp bách trong mọi lĩnh vực, trong đó có giáo dục. Việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào quá trình giảng dạy và học tập đã tạo ra những thay đổi sâu sắc về cách thức tiếp cận kiến thức, phương pháp dạy và học, cũng như cách thức quản lý giáo dục. Trường học không còn chỉ đơn thuần là nơi truyền đạt kiến thức từ thầy đến trò, mà trở thành môi trường tương tác phong phú, nơi mà học sinh có thể tự do khám phá, sáng tạo và phát triển kỹ năng cá nhân. Ngày 03/6/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trong đó xác định Giáo dục là một trong 8 lĩnh vực cần phải ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trước tiên. Chuyển đổi số đã, đang là yêu cầu bắt buộc để các cơ sở giáo dục phải thực hiện để đảm bảo kế hoạch tiến độ, bảo đảm chất lượng đào tạo, bảo đảm mọi hoạt động trong tổ chức đào tạo và quản lý để hướng đến phát triển bền vững; góp phần đào tạo nhân lực có chất lượng, bảo đảm cho phát triển kinh tế

Trong bối cảnh hiện đại hóa và toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay, chuyển đổi số trong giáo dục không chỉ đơn thuần là việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy mà còn là một quá trình tổng thể nhằm cải tiến và nâng cao chất lượng giáo dục, giúp giáo viên có thể dễ dàng hơn trong việc truyền tải kiến thức mà còn giúp học sinh nâng cao khả năng tự học, tự nghiên cứu. Giáo viên có thể sử dụng các công cụ công nghệ để tạo ra các bài giảng sinh động, hấp dẫn hơn. Sự chuyển mình mạnh mẽ của giáo dục dưới tác động của chuyển đổi số đã dẫn đến sự thay đổi rõ rệt trong phương pháp giảng dạy. Những phương pháp truyền thống vốn chỉ chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức một chiều, giờ đây đã dần được thay thế bằng những phương pháp giảng dạy tích cực, nhấn mạnh vào sự tham gia và tương tác của học sinh. Học sinh cũng được khuyến khích tham gia vào quá trình học tập bằng cách sử dụng các nền tảng trực tuyến. Một trong những lợi ích lớn nhất của chuyển đổi số trong giáo dục chính là khả năng tạo ra cơ hội cho việc học suốt đời. Học sinh không chỉ học trong khuôn khổ lớp học mà còn có thể tiếp cận nhiều nguồn tài nguyên học tập khác nhau từ khắp nơi trên thế giới. Nhờ vào internet, học sinh có thể học bất cứ lúc nào và ở đâu. Điều này không chỉ giúp cho việc học trở nên linh hoạt mà còn tạo cơ hội cho những học sinh ở xa trường hoặc có hoàn cảnh khó khăn có thể tiếp cận giáo dục. Đây cũng chính là một bước tiến lớn trong việc khuyến khích tinh thần tự học và tự rèn luyện của học sinh. Việc này không chỉ giúp học sinhphát triển kỹ năng cá nhân mà còn trang bị cho học sinh những kiến thức cần thiết để thích nghi với môi trường làm việc ngày càng thay đổi. Với việc chuyển đổi sang hình thức học trực tuyến, học sinh có thể dễ dàng tự tìm hiểu và nghiên cứu các chủ đề mà mình quan tâm. Điều này không chỉ giúp học sinh trở thành những người học chủ động mà còn giúp tiết kiệm thời gian và nâng cao hiệu quả học tập. Sự tự chủ trong việc học giúp học sinh phát triển kỹ năng tự quản lý thời gian, sắp xếp lịch học, và phân bổ thời gian cho các môn học khác nhau. Học sinh sẽ không còn phụ thuộc vào việc giáo viên nhắc nhở mà có thể tự mình điều chỉnh kế hoạch học tập theo nhu cầu và mục tiêu cá nhân. Chuyển đổi số không chỉ giúp cải thiện chất lượng giáo dục ngay tại thời điểm hiện tại mà còn tạo ra những nền tảng vững chắc cho tương lai. Một trường học thông minh, hiện đại sẽ là nơi nuôi dưỡng trí tuệ và phát triển nhân cách cho thế hệ trẻ, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội.
Xác định ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của Chuyển đổi số, trong thời gian qua Trường tiểu học Tân Dân đã triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh quá trình này. Từ việc đầu tư công nghệ cho đến đào tạo giáo viên, nhà trường đã có những bước đi vững chắc trong việc xây dựng một môi trường học tập thông minh.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học là một trong những nhiệm vụ quan trọng được nhà trường chú trọng thực hiện trong tiến trình chuyển đổi số. Qua đó nhằm phát huy tối đa những ưu việt của công nghệ số để đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục, đào tạo. Ban giám hiệu đã luôn quan tâm bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, giáo viên. Thông qua các lớp tập huấn đã giúp cho cán bộ, giáo viên trong nhà trường tiếp cận với những vấn đề cơ bản về lợi ích, hiệu quả, cách sử dụng chữ ký số như một biện pháp tiện lợi, an toàn, giảm thời gian thực hiện hồ sơ chuyên môn, góp phần vào việc thực hiện chuyển đổi số trong ngành Giáo dục cũng như kế hoạch chuyển đổi số của Trường năm học 2024 - 2025.
Đẩy mạnh sử dụng công nghệ thông tin trong tổ chức và quản lí các hoạt động chuyên môn; tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, sử dụng 100% hồ sơ điện tử, sổ điểm điện tử, học bạ điện tử để nâng cao hiệu quả công tác quản lí giáo dục; thực hiện nhập số liệu, khai thác, sử dụng thống nhất dữ liệu toàn ngành về trường, lớp, học sinh, giáo viên, trường chuẩn quốc gia và các thông tin khác trong quản lí, báo cáo.
Hiện tại, 100% cán bộ, giáo viên của trường đều soạn bài trên máy tính. Đội ngũ giáo viên đã tích cực ứng dụng CNTT trong bồi dưỡng chuyên môn; khai thác và sử dụng học liệu điện tử, xây dựng bài giảng điện tử, tổ chức dạy học trực tuyến, tích cực hưởng ứng cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-learning, thiết bị dạy học số, tham gia tập huấn đăng ký và sử dụng chữ ký số từ xa MySign Viettel.
Cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Tân Dân tích cực tham gia, hưởng ứng cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số năm 2023” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Lão tổ chức, với 02 sản phẩm và 1 sản phẩm đạt giải.
Cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số” đã thực sự đem lại những trải nghiệm lí thú và bổ ích cho giáo viên và cán bộ quản lý, khích lệ phong trào thi đua sáng tạo, dạy tốt học tốt, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời phục vụ có hiệu quả cho việc tiếp cận các phương pháp và thiết bị dạy học phục vụ có hiệu quả cho Chương trình chuyển đổi số Quốc gia
Đồng chí Vũ Thị Thu Hiền – Phó Bí thư Chi bộ ,Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học
chụp ảnh lưu niệm cùng đội tuyển tham gia cuộc thi “Xây dựng thiết bị dạy học số năm 2023” do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Lão tổ chức nhân dịp kỷ niệm 35 năm ngày Tài lập huyện An Lão
Đồng chí Bùi Thị Yến - thay mặt đội tuyển tham gia cuộc thi
“Xây dựng thiết bị dạy học số năm 2023” nhận giấy khen của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện An Lão
Tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý và giảng dạy gặp nhiều khó khăn do cơ sở vật chất, trang thiết bị không đáp ứng yêu cầu. Nhưng do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, dân vận khéo; Trường Tiểu học Tân Dân đã vận động phụ huynh học sinh, tổ chức, cá nhân đã tài trợ kinh phí, hoàn thiện cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu dạy và học, góp phần xây dựng nhà trường ngày càng phát triển
Nhà trường trang bị 4 đường truyền internet của nhà mạng Viettel 1 màn hình Led, tất cả các phòng học, phòng chức năng được kết nối mạng internet; phòng học Tin học kết nối mạng, có máy tính, máy chiếu, phòng học thông minh được lắp đặt với hệ thống máy tính và bảng tương tác, thư viện số thông minh đã đưa vào sử dụng.
Bắt nhịp kịp thời phương pháp STEM của chương trình Giáo dục phổ thông 2018, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã định hướng cho các tổ khối áp dụng phương pháp này trong các tiết học, đảm bảo phù hợp với đặc trưng các bộ môn.
Hình ảnh buổi sinh hoạt chuyên môn triển khai giáo dục Stem
và ứng dụng CNTT trong giảng dạy
Với khối lớp 5, mặc dù chương trình sách giáo khoa mới được đưa vào áp dụng trong năm học này nhưng nhà trường cũng đã chủ động định hướng cho tổ khối tiếp cận với phương pháp học tập STEM.
Học sinh lớp 5B trong giờ Khoa học theo định hướng Stem
Bài: “Bài học Stem- Biến đổi chất”
Sau khi nghiên cứu bài dạy, được sự góp ý về chuyên môn của các thành viên trong tổ khối, các thầy cô đã hoàn thiện được quy trình dạy học ở cả môn Khoa học. Trong tiết học, ngoài việc được tiếp thu kiến thức mới, các em còn được tự tay thiết kế các mô hình, các sản phẩm áp dụng thực tiễn từ chính nội dung kiến thức mà các em lĩnh hội ở bài học. Nhiều sản phẩm có tính ứng dụng cao, thể hiện sự sáng tạo bất ngờ của các em học sinh.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ, các trường học đang dần áp dụng những phương pháp giảng dạy mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Phòng học thông minh sau 1 năm được sử dụng đã trở thành một phần quan trọng trong môi trường giáo dục hiện đại của nhà trường. Năm qua, phòng học thông minh đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho việc dạy và học. Học sinh không chỉ hứng thú hơn với bài học mà còn chủ động tham gia vào quá trình học tập. Đồng thời, giáo viên cũng trở nên tích cực hơn trong việc truyền đạt kiến thức. Sự kết hợp giữa công nghệ và giảng dạy truyền thống đã tạo ra một môi trường học tập đầy sáng tạo và hấp dẫn.
Học sinh lớp 5 học hăng say, hào hứng tham gia tiết học Công nghệ trong phòng học thông minh cùng cô giáo Phạm Thị Thu Hằng
Một trong những điểm nổi bật nhất của phòng học thông minh là khả năng tương tác linh hoạt giữa giáo viên và học sinh. Phòng học thông minh cho phép giáo viên dễ dàng cập nhật và chia sẻ nội dung giảng dạy mới với học sinh. Thay vì dựa vào sách giáo khoa cũ, giáo viên có thể sử dụng nguồn tài liệu phong phú từ internet, video giáo dục hoặc các ứng dụng học tập trực tuyến. Việc đổi mới nội dung này không chỉ giúp học sinh cảm thấy hứng thú hơn mà còn kích thích óc sáng tạo và khuyến khích việc tự học. Những nội dung đa dạng, phong phú này làm cho bài học trở nên sinh động và gần gũi hơn với thực tiễn cuộc sống. Ngoài ra, việc áp dụng công nghệ trong giảng dạy cũng giúp giáo viên dễ dàng theo dõi tiến độ học tập của học sinh. Họ có thể điều chỉnh phương pháp giảng dạy sao cho phù hợp và hiệu quả nhất với từng nhóm học sinh.
Sự hứng thú của học sinh đối với việc học là một yếu tố quan trọng trong quá trình giáo dục. Một môi trường học tập tích cực có thể tạo ra động lực lớn cho học sinh trong việc tiếp thu kiến thức và phát triển bản thân. Một lý do chính khiến học sinh cảm thấy hứng thú với học tập trong phòng học thông minh là sự đổi mới trong cách giảng dạy. Bằng việc sử dụng công nghệ, giáo viên có thể tạo ra những bài học thú vị và hấp dẫn, giúp học sinh cảm thấy mỗi giờ học thật sự là một trải nghiệm mới mẻ. Hơn nữa, việc sử dụng các trò chơi học tập và ứng dụng tương tác cũng góp phần làm tăng tính hứng thú cho học sinh. Những trò chơi này không chỉ giúp củng cố kiến thức mà còn mang lại niềm vui và sự thoải mái cho học sinh.
Học sinh lớp 5A tích cực tham gia tiết học Toán trong phòng học thông minh cùng
Thầy giáo Bùi Đức Đại
Sau gần một năm sử dụng phòng học thông minh, một không gian học tập hiện đại và tiện ích, chúng ta đã chứng kiến sự thay đổi rõ rệt trong cách học tập và tương tác của học sinh. Không chỉ dừng lại ở việc tiếp cận công nghệ mà phòng học thông minh còn tạo ra cơ hội để các em học sinh khám phá kiến thức mới, nâng cao kỹ năng tìm kiếm và phân tích thông tin. Một trong những bước tiến lớn mà học sinh đã đạt được sau một năm sử dụng phòng học thông minh là khả năng đăng nhập vào trang web thư viện số của trường để đọc sách trực tuyến. Đây là một công cụ mạnh mẽ giúp các em không chỉ tiết kiệm thời gian mà còn tiếp cận được một kho tàng tri thức khổng lồ. Thư viện số mang đến cho học sinh nhiều lợi ích vượt trội so với thư viện truyền thống. Học sinh có thể truy cập vào hàng ngàn cuốn sách, tài liệu nghiên cứu và các bài báo khoa học chỉ với một vài cú click chuột. Điều này giúp các em dễ dàng tìm hiểu về các chủ đề mình quan tâm mà không bị giới hạn bởi thời gian và không gian. Việc sử dụng thư viện số đã góp phần không nhỏ trong việc khuyến khích các em học sinh hình thành thói quen đọc sách. Các em không còn phụ thuộc vào sách in như trước đây mà có thể dễ dàng tìm đọc các tác phẩm yêu thích, từ văn học, khoa học đến lịch sử.Việc đọc sách trực tuyến cũng giúp các em có thêm những trải nghiệm mới mẻ và thú vị. Từ đó, các em cảm thấy hứng thú hơn với việc học tập và chủ động hơn trong việc tìm kiếm kiến thức mới. Nhìn về phía trước, sự kết hợp giữa phòng học thông minh và thư viện số hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi lớn trong lĩnh vực giáo dục.

Học sinh tham đọc sách trên thư viện số của nhà trường trong phòng học thông minh cùng nhân viên thư viện - Thầy Lê Anh Hùng
Một trong những lợi ích lớn nhất của chuyển đổi số chính là khả năng phân tích dữ liệu học tập. Các công cụ phân tích dữ liệu có thể giúp giáo viên đánh giá hiệu quả giảng dạy và tìm ra điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh. Thông qua việc theo dõi các chỉ số như tỷ lệ vượt qua bài kiểm tra, thời gian học tập trên các nền tảng trực tuyến, giáo viên có thể đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời để hỗ trợ học sinh. Việc này không chỉ giúp cải thiện kết quả học tập mà còn giúp giáo viên nắm bắt được tâm lý, nguyện vọng của học sinh. Chuyển đổi số cũng mang đến khả năng học tập cá nhân hóa. Mỗi học sinh có thể có những cách học khác nhau, khả năng tiếp thu khác nhau. Công nghệ có thể giúp tạo ra những lộ trình học tập phù hợp với từng cá nhân. Ví dụ, qua các ứng dụng học tập thông minh, học sinh sẽ nhận được các bài tập và tài liệu phù hợp với trình độ của mình. Họ có thể học theo tốc độ riêng của mình, tạo điều kiện tối ưu cho việc tiếp thu kiến thức. Giáo viên đã tích cực sử dụng phần mềm quản lý học tập (LMS) để tối ưu cho việc quản lý lớp học, quản lý thông tin học sinh, bài giảng, bài tập, điểm số và theo dõi tiến độ học tập của học sinh. Điều này giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho giáo viên, đồng thời nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Công nghệ luôn thay đổi và phát triển với tốc độ chóng mặt, điều này đặt ra thách thức lớn cho việc giáo dục kỹ năng công dân số. Khi giáo dục kỹ năng công dân số, các trường học cũng cần phải đối mặt với các rủi ro tiềm ẩn từ internet. Đây là một thách thức đáng lo ngại mà mọi giáo viên và phụ huynh cần phải chú ý. Khái niệm giáo dục kỹ năng công dân số trở nên vô cùng quan trọng, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục tiểu học. Ngày 7 tháng 10, Ban giám hiệu nhà trường đã chỉ đạo chuyên môn lên chuyên đề này với mong muốn trang bị cho học sinh lớp 5 những kiến thức và kỹ năng cần thiết để họ có thể hòa nhập vào thế giới số một cách an toàn và hiệu quả. Việc tích hợp giáo dục kỹ năng công dân số vào chương trình giảng dạy môn Tin học - Công nghệ không chỉ giúp các em học sinh phát triển khả năng tư duy logic, mà còn nâng cao sự tự tin và trách nhiệm của các em đối với việc sử dụng công nghệ trong cuộc sống hàng ngày.
Hình ảnh buổi sinh hoạt chuyên môn
‘Giáo dục kĩ năng công dân số trong dạy học môn Tin học- Công nghệ lớp 5’
Giáo dục kỹ năng công dân số trong dạy học môn Tin học - Công nghệ lớp 5 là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Qua chuyên đề, cán bộ giáo viên đã thấy được tầm quan trọng của việc trang bị cho học sinh những kỹ năng cần thiết để họ có thể tự tin bước vào thế giới số. Từ việc thiết kế chương trình học đến phương pháp giảng dạy, tất cả đều cần được thực hiện một cách bài bản và linh hoạt. Mặc dù còn nhiều thách thức phía trước, nhưng với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn bộ đội ngũ giáo viên, phụ huynh và học sinh, chúng ta hoàn toàn có thể tạo ra một thế hệ công dân số năng động, sáng tạo và có trách nhiệm.
Việc trao đổi thông tin, văn bản trong nhà trường đều thực hiện bằng phương thức điện tử; nhiều phần mềm được sử dụng trong quản lý như phần mềm, nhắn tin liên lạc điện tử, phổ cập, quản lý nhân sự, kế toán.
Việc chuyển đổi số của nhà trường đã mang đến hiệu quả giáo dục tốt. Không chỉ giáo viên nâng cao chuyên môn mà học sinh cũng được thay đổi cách học, cách tiếp cận kiến thức, chủ động trong học tập...
Trong những năm học tới, chuyển đổi số được nhà trường tiếp tục duy trì nhằm tạo đột phá, chuyển biến chất lượng giáo dục một cách toàn diện, đạt thành tích cao hơn nữa trong giáo dục. các giải pháp sau:
* Về phía nhà trường: Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh, học sinh về chuyển đổi số và ứng dụng CNTT vào dạy học; cùng như quan tâm bồi dưỡng năng lực sử dụng công nghệ thông tin cho đội ngũ; đồng thời tăng cường bổ sung cơ sở hạ tầng đồng bộ, sẵn sàng ứng dụng công nghệ mới và nâng cấp trang thông tin riêng mang tính thương hiệu của nhà trường như: trang Website, Facebook, Zalo….
* Về phía giáo viên: Mỗi đồng chí cán bộ giáo viên cần có sự thay đổi về nhận thức cũng như hành động, phải luôn đề cao tính tự học, tự bồi dưỡng để nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu thực hiện chuyển đổi số. Chủ động ứng dụng CNTT - truyền thông, sử dụng các phương tiện dạy học vào tiết học. Đồng thời phải xây dựng kế hoạch giáo dục cụ thể cho việc chuyển đổi số trong quá trình dạy học.
Việc chuyển đổi số trong giáo dục đã và đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong quản lý, dạy học, kiểm tra và đánh giá đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo đà trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện giai đoạn tiếp theo. Chuyển đổi số không phải là công việc dễ dàng một sớm, một chiều song với sự nỗ lực, tinh thần cầu thị, quyết tâm của tập thể cán bộ quản lý, giáo viên. Trường tiểu học Tân Dân chúng ta sẽ thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số tạo sự phát triển bền vững, xây dựng Trường đạt Trung tâm giáo dục chất lượng cao của huyện, trở thành trường trọng điểm, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 94-NQ/HU của Huyện uỷ và thực hiện đạt hiệu quả Quyết định 131/QĐ-TTg ngày 25/1/2022, của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030".
Đồng chí: Nguyễn Thị Xuân
Giáo viên trường Tiểu học Tân Dân